Có thể chứng thực giấy tờ tại UBND xã, Văn phòng công chứng hoặc Phòng Tư pháp, song mỗi cơ quan lại có thẩm quyền chứng thực khác nhau. Vậy UBND xã được chứng thực loại giấy tờ nào?
8 loại giấy tờ UBND xã được chứng thực
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) có thẩm quyền chứng thực các loại giấy tờ sau:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực chữ ký trừ chứng thực chữ ký người dịch;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
– Hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất như: Chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở;
– Chứng thực di chúc;
– Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là: Hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất; Hợp đồng, giao dịch về nhà ở; Di chúc.
UBND xã được chứng thực loại giấy tờ nào? (Ảnh minh họa)
Giá trị pháp lý của văn bản chứng thực tại UBND xã
Tùy từng loại văn bản được chứng thực mà văn bản chứng thực có giá trị pháp lý khác nhau, cụ thể:
– Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch;
– Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
– Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
– Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Căn cứ: Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.